Nguyễn Ái Quốc chống Pháp tại Pháp. Pháp nào?

Có một học sinh hỏi: Tại sao bảo rằng Nguyễn Ái Quốc chống Pháp mà khi tại Pháp, 1921, Nguyễn Ái Quốc lại nhờ đảng cộng sản Pháp thành lập “Hội Liên Hiệp Thuộc Địa” và báo “Người Cùng Khổ,” kể cả bản dự thảo nghị quyết về “vấn đề chủ nghĩa cộng sản và các thuộc địa” ?

Pháp dù ở trong thời điểm nào cũng chưa bao giờ có chế độ độc tài theo kiểu cộng sản. Vì ý thức tự do như thế nên mọi đảng phái đều được quyền hoạt động miễn sao không đi ngoài luật pháp đề ra. Do vậy mà Đảng Cộng Sản Pháp mới có điều kiện hình thành. Nhưng khi chính phủ Pháp thấy có mầm móng nguy hại cho nền tự do dân chủ nên mới có biện pháp theo dõi.

Chúng ta cũng thấy ngay chính Hồ Chí Minh đã từng viết bài lên án ông Raymond Poincaré, lãnh đạo nước Pháp vào lúc này, năm 1920, bởi vì ông Poincaré rất chống cộng. Trang 13, T Lan (bút hiệu của Hồ Chí Minh) trong “Vừa Đi Đường Vừa Kể Chuyện,”, viết: “Chính phủ Pháp lúc đó do Poanhcarê cầm đầu. Y là một người cực kỳ phản động. Chính y đã chủ trương đánh cách mạng Nga. Khi quân sự đã thất bại, y chủ trương tẩy chay kinh tế Nga. Trong cuộc tổng tuyển cử Hạ Viện Pháp, y đã cho dán khắp cả nước bức vẽ tuyên truyền chống cộng, dưới nhan đề là ‘Bônsovích hai hàm răng ngậm dao.’ Trong bức vẽ thì phía sau là một người Bônsơvích, mặt mũi rất dữ tợn, miêng ngậm một con dao đẫm máu, tay xách cái đầu của một người đàn bà…”

Raymond Poincaré (1860-1934, hình bên) năm lần làm thủ tướng và làm tổng thống nước Pháp từ 1913-1920.

Chúng ta thấy rõ, những công dân nước Pháp nhận biết hiểm họa cộng sản đã hoạt động và lên tiếng ngay sau khi Lenin cướp chính quyền 1917 tại Nga, lập nên đảng Bolshevic. Ngay trong lúc Nguyễn Ái Quốc vào Đảng Cộng Sản Pháp thì lãnh đạo của Pháp thuộc phe chống cộng (conservative) nên Nguyễn Ái Quốc cay cú với ông Poincaré là vậy. Đúng ra, nếu Nguyễn Ái Quốc thông minh thì đã phải đặt dấu hỏi tại sao đa số dân Pháp lại chống cộng sản như thế mà mình lại theo? Bởi do đâu mà họ có hình vẽ người cộng sản Bolshevic tàn ác ngậm dao đẫm máu, tay xách đầu người đàn bà? Chính người dân Pháp đã thấy tai họa cho dân Pháp nếu Đảng Cộng Sản Pháp lợi dụng tự do tuyên truyền, nên họ , những thành phần trung lưu đứng lên xuống đường làm biểu ngữ, vẽ poster để người dân ý thức mà không bầu cho cộng sản.

Cho nên việc Nguyễn Ái Quốc và đồng chí của ông ta thành lập “Hội Liên Hiệp Thuộc Địa” và làm báo không có gì trái luật. Báo “Người Cùng Khổ” thì dù là trên danh nghĩa do một nhóm thành lập, nhưng hầu như Nguyễn Ái Quốc lấy nhiều bút hiệu trong các bài viết tuyên truyền chủ nghĩa cộng sản, và cái gọi là “cách mạng vĩ đại tháng 10, 1917 của Lenin.” Báo được gửi về Đông Dương, Châu Phi, và Tây Ấn. Ngay cả Nguyễn Ái Quốc còn mang “Chương trình 8 điểm” đến Versailles để trình lên tổng thống Hoa Kỳ Woodrow Wilson, nhân lúc ông Wilson đến Pháp để ký hòa ước với Đức. Theo sử liệu của học giả Hoàng Văn Chí, Từ Thực Dân Đến Cộng Sản, Hồ Chí Minh không đủ khả năng soạn thảo bản 8 điểm này nên phải nhờ luật sư Phan Văn Trường và kỷ sư Nguyễn Thế Truyền giúp soạn ra. Sau vụ này  Nguyễn Tất Thành cướp luôn tên Nguyễn Ái Quốc của nhóm ông Nguyễn Thế Truyền.

Ông Truyền hồi ấy nổi tiếng là một người khuynh tả. Ông đã sinh sống tại Pháp và nghiên cứu về chủ nghĩa cộng sản và theo khuynh hướng này trước khi Nguyễn Tất Thành qua Pháp. Ông Truyền đã hướng dẫn Nguyễn Tất Thành gặp các nhân vật thân cộng/cộng sản như Leon Blum, Marcel Cachin, Maruis Moutet, v.v..Nhưng thời gian sau ông Truyền đã ra khỏi phe nhóm cộng sản vì thấy không thích hợp.

 Điều quan trọng ở đây cho chúng ta một bài học đích đáng là: cộng sản lợi dụng tự do để tuyên truyền. Khi cướp được chính quyền bằng bạo lực thì mọi thứ tự do của con người hoàn toàn bị tướt đoạt. Thử hỏi từ ngày cộng sản cai trị miền Bắc hơn 60 năm, miền Nam hơn 30 năm, có một tờ báo nào được xuất hiện ngoài hơn 600 tờ báo Đảng?

Các đảng cộng sản trên thế giới nói chung và Đảng Cộng Sản Việt Nam nói riêng dùng thể chế tự do của các nước khác để hoạt động tuyên truyền đường lối độc tài. Điều đáng ghi nhận ở đây là ở các quốc gia tự do, chính phủ không chủ trương tiêu diệt bất cứ đảng phái nào, miễn sao các đảng phái hoạt động trong khuôn khổ luật pháp. Ở Hoa Kỳ chẳng hạn, Đảng Cộng Sản Hoa Kỳ vẫn có website, vẫn loan báo tin tức, vẫn có những sinh hoạt thường trực, vẫn tìm cách thu nạp thêm đảng viên…Nhưng họ chưa làm chuyện ngòai luật pháp hiện hành, mặc dù họ vẫn liên hệ với các nước cộng sản còn lại, họ gặp nhau trong các đại hội v.v…Họ chưa có âm mưu “cướp chính quyền” như đảng của Hồ Chí Minh, hay có hành động phá hoại đất nước, nên không có lý do gì chính phủ đàn áp họ. Vả lại, với con số đảng viên quá nhỏ bé và có những hành động, những tư tưởng ngược đời, không hợp thời hợp hoàn cảnh, không thể lay chuyển hay ảnh hưởng gì đối với đại đa số dân Hoa Kỳ có ý thức chính trị cao về dân chủ.

Tóm lại, truyền thống dân chủ của các nước như Anh, Pháp, Mỹ, mà ngay cả Pháp lúc thập niên 20 là thực dân, Pháp cũng có một thể chế dân chủ gấp trăm lần cộng sản Việt Nam bây giờ. Nếu không nhờ tính dân chủ thì đảng cộng sản Bolshevic của Lenin làm gì có cơ hội tuyên truyền để đạt mục đích độc tài (không dân chủ). Cộng sản dùng dân chủ để thiết lập cơ chế độc tài chủ trương tiêu diệt dân chủ. Khi Hồ Chí Minh hô hào chống Pháp cũng như Đảng Cộng Sản Việt Nam hay hằng ngày nhắc nhở “công” đánh đuổi “giặc Pháp” của ông Hồ thì chúng ta phải hiểu là họ chỉ chống những người Pháp chống cộng mà họ gọi là “phe hữu”. Thành phần những người Pháp thuộc “phe tả” thì  vẫn được coi như là “đồng chí” ngay cả Hồ Chí Minh còn mang phe đảng tả phải này về Việt Nam cai trị lần nữa qua Hiệp Ước Sơ Bộ mà Hồ và Pháp phe cộng đã ký vơí nhau ngày 6/3/1946.

Bút Sử

About Sự Thật về Hồ Chí Minh

I write through researches from books of all aspects
This entry was posted in Uncategorized. Bookmark the permalink.